Nhân lực là một trong những tiêu chí quan trọng, có tính quyết định đến tốc độ phát triển của một quốc gia. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia thuộc khu vực châu Á nhận được rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Một phần vì nguồn tài nguyên dồi dào, có nhiều hướng phát triển (như sản xuất, chế biến,…), một phần khác chắc chắn phải kể đến chất lượng nhân lực. Hãy cùng KTG Industrial tìm hiểu những ưu điểm của nguồn nhân lực Việt Nam trong bài viết sau. Nhờ vậy, chủ đầu tư có thể đưa ra quyết định hợp lý và an toàn hơn.
Vai trò của nguồn nhân lực trong việc phát triển công nghiệp
Việt Nam đang trên đà tăng trưởng vượt bậc, và trong đó không thể phủ nhận sự đóng góp cực lớn từ nhân lực nói chung (đặc biệt là nhân lực chất lượng cao nói riêng). Lý do là nếu nguồn lực nội sinh này được phát huy đúng cách, nó sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững. Nhờ vậy, Việt Nam có thể vững bước tăng trưởng ổn định qua mỗi năm mà không phụ thuộc quá nhiều vào việc chờ đợi các tiềm lực ngoại sinh phục hồi (như thời tiết, khoáng sản,…).
Song song đó, đứng trước mục tiêu Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa, Chính phủ Việt Nam nhận thấy tầm quan trọng đặc biệt khi phải đào tạo chất lượng nhân lực liên tục. Cụ thể, thay vì thực hiện mọi thứ bằng thủ công, mất nhiều thời gian và sức lực như trước, nhân lực ngày nay có thể sử dụng máy móc hiện đại hỗ trợ một cách thông minh. Vì vậy, thành phẩm phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu luôn đủ đầy, không bị gián đoạn.

Nhân lực đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và công nghiệp của mỗi quốc gia.
Những ưu điểm của nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay
Nhận thấy vai trò không thể thiếu của nhân lực với sự tăng trưởng ổn định của quốc gia. Các doanh nghiệp đã có mặt tại Việt Nam hoặc dự định đầu tư nên nhận thức rõ các ưu điểm của nhóm đối tượng này để tạo điều kiện phát triển tốt nhất:
Nguồn lao động trẻ
Tỷ lệ lao động trẻ tại Việt Nam cao hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Theo thông tin năm 2024 từ cục Tổng cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 53,0 triệu người lao động 15 tuổi trở lên (tăng 575,4 nghìn người so với năm 2023) [1].
Ngoài ra, nếu xét theo khía cạnh khu vực kinh tế để phân bổ người lao động thì khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản có 13,7 triệu người; công nghiệp và xây dựng là 17,4 triệu người và dịch vụ là 20,8 triệu người. Đồng thời, số lượng người thiếu việc làm dần giảm (chỉ còn 846,8 nghìn người, giảm 74,4 nghìn người so với năm 2023) [1].
Năng suất lao động ngày càng được nâng cao
Con số vào năm 2024 là 221,9 triệu đồng/lao động (tăng hơn 726 USD so với 2023) đủ để chứng minh rằng số lượng lao động tăng không đồng nghĩa với năng suất lao động tăng. Vì năng suất phụ thuộc vào công nghệ, kỹ năng, không chỉ số lượng. Ngoài ra, phần lớn thu nhập đến từ khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thương mại, du lịch.

Năng suất lao động của người lao động Việt Nam được cải thiện rõ rệt qua nhiều năm
Chất lượng từng bước nâng tầm
Chất lượng làm việc của người lao động Việt Nam cũng ngày càng cải thiện rõ rệt khi họ có thể trực tiếp vận hành những công đoạn phức tạp trong sản xuất thay vì phải thuê nhân công nước ngoài như trước. Bên cạnh đó, nhân lực Việt Nam không ngại “đón đầu” sử dụng các công nghệ mới giúp tiết kiệm công sức, thời gian làm việc tối đa.
Trình độ chuyên môn, tay nghề nâng cao
Số liệu thể hiện năng suất lao động tăng trong năm 2024 phụ thuộc phần lớn vào sự cải thiện trình độ của người lao động. Cụ thể, tỷ lệ lao động có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ tăng mạnh với 28,3%, cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với năm 2023.
Một số thách thức đối với nguồn nhân lực tại Việt Nam
Khi nhắc đến nhân lực, không chỉ có mỗi yếu tố chất lượng mà còn phải kèm theo số lượng và cơ cấu. Ở mỗi khía cạnh, Việt Nam còn tồn tại một số vấn đề cần phải khắc phục triệt để:
Dân cư phân bố không đồng đều
Số lượng dân cư Việt Nam có sự khác biệt rõ rệt theo từng vùng, trong đó phần đông tại thành thị và khá ít ở nông thôn (nhất là những khu vực miền núi, trung du). Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến cho kinh tế từng vùng phát triển không đồng đều, đặt ra nhiều thách thức cho chính phủ khi làm thế nào để chỉ số tăng trưởng ổn định quanh năm.
Ngoài ra, sự mất cân đối về dân số còn vô tình ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, cơ cấu ngành nghề,… khiến cho nguồn lực không được tận dụng triệt để.
Kỹ năng ngoại ngữ, làm việc chung còn hạn chế
Lao động Việt Nam chủ yếu là lao động tay nghề nên kỹ năng ngoại ngữ có phần hạn chế, ảnh hưởng tới khả năng hội nhập. Thêm vào đó, phần lớn nhân công chỉ tập trung hoàn thiện công việc của riêng mình hàng ngày thay vì học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm từ những người xung quanh hay cân nhắc kết hợp với nhau để tạo quy trình làm việc mượt mà. Vậy nên, kỹ năng làm việc chung cũng có phần bị giới hạn khiến sản lượng có được mỗi ngày không quá nhiều.

Kỹ năng ngoại ngữ của người lao động Việt Nam còn thua kém nhiều so với bạn bè quốc tế
Tính kỷ luật chưa cao
Trước kia, đa số người lao động tại Việt Nam đa số bắt đầu từ nông nghiệp. Vì lẽ đó, người dân đã quen với phong cách làm việc phụ thuộc vào sức khỏe, tâm lý của bản thân – hay tính kỷ luật chưa cao. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực ở quốc gia này chưa chủ động hợp tác và gánh vác trách nhiệm vì tập thể chung nên thường ngại chia sẻ quan điểm cá nhân.
Tuy nhiên, điều này đang ngày càng được cải thiện khi hầu hết doanh nghiệp thực hiện đơn giản hóa, tự động hóa quy trình sản xuất nên người lao động cũng dần chuyên nghiệp hóa hơn. Nhờ thế, họ luôn giữ thái độ làm việc cẩn trọng, kỷ luật cao để đáp ứng tốt yêu cầu từ công việc.
Cạnh tranh cao
Thực tế tại Việt Nam, lượng lao động phổ thông ngày càng tăng lên nhưng lại khan hiếm người quản lý, người nghiên cứu khoa học giỏi hay những chuyên gia đầu ngày. Do đó, Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh về nguồn nhân lực so với các quốc gia khác trên thế giới. Điều này đã được chứng thực khi có một báo cáo khẳng định năng suất lao động Việt Nam năm 2020 thấp hơn Malaysia 7 lần, Trung Quốc 4 lần, Thái Lan 3 lần, Philippines 2 lần và Singapore 26 lần [2].
Khó hòa nhập
Sinh viên Việt Nam sau tốt nghiệp thường gặp vấn đề trong việc hòa nhập với môi trường lao động mới. Điều này đã được thể hiện rõ qua buổi hội thảo “Boosting Employability: Strengthening universities to make graduates fit for work” với ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng (giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội) về việc sinh viên thiếu kỹ năng, kinh nghiệm làm việc thực tế.
Có thể lý giải điều này rằng sinh viên chủ yếu chỉ học kiến thức lý thuyết tại trường học, chưa có cơ hội ứng dụng vào thực tế thường xuyên. Do vậy, dù kiến thức chuyên môn vững vàng nhưng kinh nghiệm thực chiến lại dường như bằng 0 khiến sinh viên mất nhiều thời gian làm quen với cột mốc mới, làm chậm quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam
Từ Đại hội XI (năm 2011), Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì lẽ đó, Việt Nam liên tục áp dụng nhiều giải pháp cải thiện chất lượng nhân lực bền vững như:
- Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, trong đó chú trọng chuyển đổi số và hiện đại hóa cơ sở vật chất – trang thiết bị ở bậc đại học cũng như giáo dục nghề nghiệp.
- Hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư càng sớm càng tốt.
- Lên kế hoạch sử dụng lao động hợp lý, phát huy tốt tiềm lực của mỗi người.
- Đẩy mạnh nghiên cứu dự báo về đào tạo nghề nghiệp, nhất là trong những lĩnh vực liên quan đến khoa học, kỹ thuật công nghệ,…
- Cân nhắc phân bổ cơ cấu ngành, số lượng nhân lực, trình độ nhân lực,… phù hợp sao cho có thể đáp ứng tốt nhu cầu về đào tạo ở tất cả vùng, miền cả nước.
- Tiếp tục hợp tác với chính phủ Hàn Quốc, Đức, Italia và Nhật Bản trong việc triển khai các dự án ODA.
Trên đây là tất cả ưu điểm của nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay cùng những điểm hạn chế phải nhìn nhận sớm để tìm cách đối mặt, khắc phục thích hợp. Nhờ đó, đất nước ngày càng phát triển bền vững, mạnh mẽ giúp bắt kịp tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nguồn tham khảo
[1] Thông cáo báo chí về tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2024. (2024). Retrieved February 23, 2025, from General Statistics Office of Vietnam website: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2025/01/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iv-va-nam-2024.
[2] PHẠM XUÂN DŨNG LĐCĐ. (2022, October 7). Vai trò của nguồn nhân lực trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Retrieved February 23, 2025, from Tạp chí Lao động và Công đoàn website: https://laodongcongdoan.vn/vai-tro-cua-nguon-nhan-luc-trong-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-86405.html.