KTCKVN – Bên cạnh khả năng thu hút nguồn lực đầu tư từ thương chiến Mỹ – Trung, Việt Nam có thể sẽ được hưởng thêm những lợi ích từ niềm tin của quốc tế sau những thành công từ việc chống dịch COVID-19.
Việt Nam đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế qua chiến lược ngoại giao thời COVID-19 khi đã đẩy mạnh sản xuất thiết bị y tế và giúp đỡ các quốc gia có nhu cầu sử dụng trong phòng chống dịch bao gồm cả Hoa Kỳ, Nga, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức và Vương quốc Anh.
Vào đầu tháng 4/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói lời cảm ơn Việt Nam trong một bài đăng trên Twitter sau khi Mỹ tiếp nhận 450.000 bộ quần áo bảo hộ được sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam, do công ty hóa chất DuPont của Mỹ sở hữu và vận hành.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã hỗ trợ khẩu trang, nước rửa tay và các thiết bị y tế phòng chống Covid-19 khác cho các dịch vụ y tế ở hai nước láng giềng Campuchia và Lào, những quốc gia mà Việt Nam có quan hệ hữu nghị đặc biệt.
Với những đóng góp cho thế giới, Việt Nam đang chiếm được thiện cảm to lớn đối với rất nhiều cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài.
Việt Nam là một trong số ít những nước hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung khi các công ty đa quốc gia và các công ty khác di dời các nhà máy của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan mới của Mỹ đối với những hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc.
Theo đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi chính của việc thay đổi này vì đã có những chiến lược ngoại giao thân thiện trong khi vẫn có hiệu quả về kinh tế đối với các công ty phương Tây. Trong nhiều trường hợp, Việt Nam sẽ là lựa chọn đầu tiên của các nước phương Tây khi họ cần tìm một sự thay thế đáng tin cậy hơn. Đây là thời cơ không thể tốt hơn cho Việt Nam.
Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng trong trường hợp tồi tệ nhất, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ giảm xuống 1,5% trong năm 2020 vì đại dịch Covid-19, giảm đáng kể so với khoảng 7% tăng trưởng trong những năm gần đây.
Mặc dù điều này sẽ đánh dấu mức tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam trong nhiều thập kỷ, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với hầu hết các nước láng giềng Đông Nam Á, bao gồm cả Thái Lan, hiện đang chính thức dự kiến mức tăng trưởng GDP -5,3% vào năm 2020. Các nhà đầu tư thấy rõ sự khác biệt khi thị trường chứng khoán Việt Nam là khu vực có tình hình khả quan nhất trong năm nay, trong khi một số thị trường chứng khoán khác trong khu vực đã chao đảo vì thiệt hại kinh tế do dịch bệnh COVID-19. Theo nhận định của một số chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh hơn các quốc gia Đông Nam Á khác vào năm 2021, đặc biệt là nếu các công ty Mỹ, Nhật Bản và EU di dời các chuỗi cung ứng sau đại dịch ra khỏi Trung Quốc và vào Việt Nam. |
---|