29-11-2019

BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM SÔI ĐỘNG TRƯỚC SỰ LEO THANG CỦA CĂNG THẲNG THƯƠNG MẠI MỸ-TRUNG

Thời gian vừa qua, thế giới chứng kiến sự leo thang của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung trước hàng loạt hàng rào thuế quan mà 2 bên áp vào hàng hóa nhập khẩu từ “đối thủ”. Sức ảnh hưởng của cuộc căng thẳng này đã vượt qua biên giới hai nước  và nhanh chóng tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, có thể ghi nhận sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nó đến thị trường bất động sản công nghiệp khi đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc và cả những nhà đầu tư Trung Quốc.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư

Trong bối cảnh hội nhập, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khiến thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều cơ hội hơn là khó khăn. Dòng vốn đầu tư ở các nước bao gồm Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác do “né” chiến tranh thương mại nên sẽ “chảy” vào Việt Nam. Thời điểm hiện tại , các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc và nhà đầu tư Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển nhà máy, công xưởng sang các nước lân cận và Việt Nam là một trong những địa điểm đón nhận làn sóng dịch chuyển này.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến thị trường bất động sản Việt Nam có thêm nhiều cơ hội

Đầu năm 2019, Goertek – hãng lắp ráp tai nghe AirPods của Apple tại Trung Quốc đã bỏ ra 260 triệu USD để đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất mới tại Khu công nghiệp Quế Võ, xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh.  Cùng với Goertek, cuối năm 2018, Hanwha (Hàn Quốc), một trong 500 tập đoàn lớn nhất thế giới, đã khánh thành nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay Hanwha Aero Engines diện tích 9 ha ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD. Tập đoàn Yokowo (Nhật Bản) cũng đã chi 18 triệu USD cho nhà máy 3,6 ha của mình ở khu công nghiệp Đồng Văn II (Hà Nam). Đây là một trong những động thái này nhằm né những đòn áp thuế mạnh mẽ của Mỹ lên các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc.

Goertek đã chi 260 triệu USD xây dựng nhà máy mới tại Bắc Ninh- Việt Nam đầu năm 2019

Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty Trung Quốc cũng cảm thấy bất an trước cuộc chiến của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điển hình có thể kể đến TLC và ông lớn ngành may mặc Huafu. Đầu tiên, TCL đã nhanh chóng chọn một khu đất rộng 7,3 ha để đặt nhà máy sản xuất TV với mức đầu tư 53,56 triệu USD ở Bình Dương vào đầu năm 2019. Huafu cũng bỏ ra 362 triệu USD để xây dựng nhà máy tại Long An. Sự dịch chuyển của TCL và Huafu cho thấy không chỉ các công ty đa quốc gia đang lo ngại về mức thuế quá cao, các công ty trong nước cũng đang buộc phải tìm phương án “rút lui” cho mình. Theo VinaCapital, một số tên tuổi lớn ngành điện tử và may mặc như Foxconn, Lenovo, Sharp, Asics, Nintendo, Kyocera cũng đang xem xét chuyển nhà máy sản xuất đến Việt Nam.

TLC là một trong những tập đoàn lớn của Trung Quốc dời nhà máy sang Việt Nam để tránh thế quan

Vì sao Việt Nam trở thành điểm nóng sản xuất sau căng thẳng thương mại Trung-Mỹ

Một trong những hệ quả của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung với những đòn áp thuế mạnh mạnh mẽ là sự biến động của chi phí sản xuất, cụ thể là biến động giá thuê đất tại thị trường Trung Quốc. Sự biến động này thúc đẩy Việt Nam trở thành điểm đến tiếp theo cho các nhà đầu tư nhờ hội tụ các yếu tố thuận lợi như: cú hích từ các hiệp định tự do thương mại, môi trường chính trị ổn định, chỉ số tăng trưởng kinh tế ấn tượng, vị trí địa lý thuận lợi, chi phí lao động phải chăng và được đánh giá là một thị trường dễ hòa nhập.
Các hiệp định thương mại tự do mới đã mang lại ảnh hưởng tích cực đến thị trường công nghiệp Việt Nam. Hiệp định cải cách toàn diện cho hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức thiết lập vào tháng 1/2019 và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được ký kết vào tháng 6/2019 sẽ xoá bỏ 99% thuế hải quan, qua đó tăng thu hút vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

Ghi nhận của Ngân hàng Phát triển Châu Á , Việt Nam duy trì vị trí nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng GDP 6,8%. Trong khi con số này ở Indonesia là 5,8%, Malaysia là 4,5%, Thái Lan 3,5% và Singapore là 2,4%. Đồng thời, năm 2018 World Bank cũng đánh giá Việt Nam đứng thứ 69 trong 190 nền kinh tế dễ hoạt động kinh doanh, cao hơn Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Việt Nam duy trì nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á năm 2019

Bên cạnh đó, các yếu tố như nguồn nhân công dồi dào với giá phải chăng và chi phí xây dựng nhà xưởng thấp hơn các quốc gia trong khu vực ở thời điểm hiện tại khiến các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam.

Theo dự đoán, bất động sản công nghiệp ở miền Bắc sẽ chịu biến động lớn hơn trong thời gian sắp tới vì vị trí rất gần Trung Quốc, thuận lợi cho việc dịch chuyển nhà xưởng. Hơn nữa, hiện có khá nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tập trung tại đây tạo nên sự kết nối với các doanh nghiệp mới có dự định dịch chuyển. Một số tỉnh thành như Hải Phòng, Quảng Ninh,  Bắc Ninh, Bắc Giang hay Hưng Yên được dự đoán có thể là điểm dừng chân của làn sóng dịch chuyển này.

other articles

All Articles icon





    captcha

    img

    Gửi thành công!

    img
    img